Những điểm đến hấp dẫn tại Hội An

1.PHỐ CỔ HỘI AN

Từ lâu, người ta đã nghe đến một thành phố cổ Hội An với những nếp nhà mái ngói rêu phong, những quán hàng rong, những con sông hiền hòa ôm lấy thành phố nhỏ bé. Nhộn nhịp, tấp nập người buôn, kẻ bán vào ban ngày, nhưng lại trở nên hiền hòa, lung linh nhiều màu sắc vào buổi tối. Cổ kính, thanh bình, lung linh là 3 từ tôi nói về Phố cổ Hội An sau chuyến đi của mình.

Du khách tới Hội An, ngoài việc khám phá sự bình dị chân thật trong tâm hồn người dân phố Hội, sẽ mất nhiều thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của các mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông. Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú, cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn màu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Cầu chùa, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bên sông Hoài, Hội quán Quảng Ðông, Phúc Kiến… đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ. Ðặc biệt, khu phố cổ mạng một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Xưa kia, nếu như người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, thì người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng.

Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ, quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo… vẳng lên từ con thuyền đậu dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách. Không quá trang nghiêm như Cố Ðô Huế, không quá sôi động như chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.

2. CHÙA CẦU

Đã từ rất lâu chùa Cầu Hội An không chỉ là biểu tượng du lịch của khu phố cổ mà nơi đây như kết tinh cả linh hồn của đất và người Hội An. Chùa Cầu như một mảnh ghép nối liền giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cây cầu vắt qua 400 năm lịch sử đã đi vào tiềm thức của mỗi người con được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hội An ngàn năm hoài cổ ấy. Ngày nay, chùa vẫn ở đó, uy nghi mà trầm mặc như nhân chứng cho lịch sử một thời vang bóng nhưng vẫn sáng mãi nơi phố Hội. Có ai đó đã từng ví, Chùa Cầu là điểm sáng của du lịch Hội An, là tình yêu của kẻ ở, người đi đầy lưu luyến thì quả thực không sai. Chùa Cầu Hội An nằm vắt mình qua một nhánh nhỏ của dòng Thu Bồn quanh năm ôm ấp thành phố, xung quanh được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử, phảng phất đâu đó nơi góc phố hàng cây chút buồn miên man nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng rực rỡ của người dân nơi đây, những con người không ngừng ước mơ và lạc quan về cuộc sống.

Đến Hội An mà không đi chùa Cầu thì quả là một thiếu sót lớn. Chùa Cầu – một biểu tượng của Hội An, được vinh dự xuất hiện trên tờ tiền polymer 20.000 đồng Việt Nam. Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, được ví như linh hồn, hơi thở của người dân phố cổ qua bao nhiêu thăng trầm thời gian. Chùa Cầu với lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, bên trên là nhà, dưới lại là cầu. Bên cạnh đó là những họa tiết trang trí tỉ mỉ công phu, là sự kết hợp của phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật và phương Tây. Đến nay, ngôi chùa dường như đã trở thành tài sản vô giá mang giá trị văn hóa, là chứng tích lịch sử, cũng là cây cầu cổ duy nhất tại Hội An còn làm chức vụ điều tiết giao thông cũng như tín ngưỡng của người dân phố cổ. Chùa Cầu cổ kính trầm mặc, nằm yên bình giữa phồn hoa của phố Hội hiện đại. Nơi ấy biết bao lần đã chứng kiến sự đổi thay của lịch sử theo bao thăng trầm thời gian và hơn hết cả là ghi dấu sự giao thoa của những nền văn hóa độc đáo, tất cả đã khoác lên phố Hội nét đẹp hiếm có của ngày hôm nay.

3.CÔNG VIÊN ĐẤT NUNG THANH HÀ

Làng gốm Thanh Hà thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An, cách khu phố cổ khoảng 2km về phía tây. Đây là công viên gốm đầu tiên cũng như lớn nhất tại Việt Nam. Công viên – bảo tàng đất nung có hình dạng của chiếc bàn xoay chuốt gốm gồm hai tòa nhà chính biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà. Điểm hấp dẫn nhất du khách khi đến đây có lẽ là những tác phẩm gốm thu nhỏ mô phỏng các kỳ quan thế giới như nhà hát Opera Sydney, các Kim Tự Tháp, tháp nghiêng Pisa, tượng Nữ thần Tự Do, đền Taj Mahal… và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam nhờ bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân. Công viên đất nung Thanh Hà rộng gần 6.000 m vuông này này lại ít được biết đến hơn các địa chỉ nổi tiếng quen thuộc khác như phố cổ Hội An hay thánh địa Mỹ Sơn. Đây là đem đến một góc nhìn mới lạ cho làng nghề gốm đã có hơn 500 năm nay tại đất Thanh Hà.

Làng Thanh Hà được hình thành khoảng cuối thế kỷ XV, sau đó phát triển mạnh cùng cảng thị Hội An. Ngày nay, làng gốm độc đáo này đã được xây dựng thành Công viên – Bảo tàng Đất nung Thanh Hà, nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm gốm được chế tác bằng đất nung độc đáo. Từng chi tiết nhỏ ở đây như được thổi hồn bởi các nghệ nhân làng gốm và đất nung. Bước vào nơi này có lẽ ai cũng ngỡ ngàng mà lặng người nhìn ngắm, không gian như được hòa quyện bởi nhiều màu sắc, một sự pha trộn giữa lửa và nước đầy độc đáo. Chuỗi công trình quy mô này được kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế và làm chủ bao gồm hai tòa nhà lớn – đại diện cho hai cách làm gốm Thanh Hà truyền thống. Công viên – bảo tàng gốm lớn nhất Việt Nam được xây dựng với kinh phí 22 tỷ đồng này nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây thật sự là một không gian làng nghề truyền thống đặc trưng của dân tộc Chăm. Với màu gạch đỏ au, màu xanh của cây cỏ tô điểm khiến không gian làng gốm thêm phần đặc sắc.

 4. KHU DU LỊCH SINH THÁI RỪNG DỪA HỘI AN

Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu được ví như “miền Tây giữa lòng Hội An, khi đến tham quan trải nghiệm tại rừng bạn sẽ được di chuyển trên sông bằng thuyền thúng, loại phương tiện chủ yếu của người dân miền Tây Nam Bộ. Có hai cách để đến đây từ phố cổ Hội An, là bằng đường bộ hay bằng đường sông đều được và 30.000đ là giá vé để bạn để được tham gia trải nghiệm vô cùng thú vị này.

Và khu du lịch sinh thái Hội An này có một trò chơi dành cho những bạn đam mê cảm giác mạnh đó chính là người lái thuyền đứng dậy với những động tác điêu luyện làm chiếc thuyền bạn ngồi xoay vòng vòng trên mặt nước và yên tâm là bạn không bị văng ra khỏi thuyền đâu. Đến Khu du lịch sinh thái rừng dừa Hội An hãy thưởng thức đặc sản Hội An tại nhà dân địa phương: Trong hành trình khám phá rừng dừa Hội An, bạn đừng ngần ngại nhận lời mời cơm của người dân địa phương để có những trải nghiệm chân thật nhất về cuộc sống mộc mạc nơi đây. Bạn sẽ được chiêu đãi những món ngon đặc sản như: chả giò, gỏi tôm chua ngọt, nộm hoa chuối, bánh xèo miền Trung… Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức những món ngon này tại nhà hàng rừng dừa Bảy Mẫu.

5. CÙ LAO CHÀM

Du Lịch Cù Lao Chàm: Đảo Cù Lao Chàm là một hòn đảo xinh đẹp cách di sản văn hóa thế giới Hội An không xa. Thiên nhiên Cù Lao Chàm vô cùng hấp dẫn với hệ sinh thái và các rạn san hô cùng động thực vật đa dạng và phong phú, đến với hòn đảo này bạn sẽ không những được tắm biển, lặn biển và ngắm san hô, hay thả mình vào làn nước biển trong xanh hoặc phơi mình trên những bãi cát trắng mịn như ngọc. Cùng với con người xứ đảo rất thân thiện và mến khách, tạo nên một Cù Lao Chàm thân thiện, hài hoà, mến khách trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến đây.


Hành trình đến với Du Lịch Cù Lao Chàm bằng Ca Nô cao tốc, quý khách sẽ được khám phá một vùng thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng tại Cù Lao Chàm với hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Chồng, Hòn Yến… và được hoà mình vào cuộc sống dân dã trong sự đón tiếp nồng hậu của cư dân Làng chài, chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của các địa danh mang nhiều huyền thoại như Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Chồng, Âu thuyền, Chùa Hải Tạng và đặc biệt hơn cả là thưởng thức các loại đặc sản đậm đà hương vị biển Cù Lao Chàm như: tôm, cá, mực, vú nàng vú xao, cua đá, rau rừng …
Tại đây, du khách còn được tận hưởng những cảm giác thú vị thỏa thích đùa vui cùng sóng biển, tắm nắng trên những bãi cát trắng mịn màng, chinh phục những ngọn đồi hùng vĩ, tham gia các hoạt động thể thao trên nước hay lặn thám hiểm biển các hang đá nằm sâu dưới lòng đại dương cùng hàng trăm loài cá, loài san hô lấp lánh muôn sắc màu của miền nhiệt đới. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan đảo Yến, câu cá và tham gia vào đêm sinh hoạt lửa trại với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn.