Không câu từ hoa mỹ, lối viết đơn giản nhưng “Người bước ra thế giới” đã mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc bởi những ước muốn cổ vũ người trẻ Việt bước ra thế giới rộng lớn và trở về để tạo nên những sự thay đổi.
Cuốn sách mở đầu bằng chuyện “Bước ra thế giới, thay đổi bản thân” của chính tác giả trong chương I. Đó là tiền đề dẫn dắt đến Chương II, châm ngôn chính của sách: “Bước ra thế giới, tạo nên thay đổi”. Nếu không quá vội vàng, bạn có thể cùng tác giả trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau trên chặng đường ra thế giới. Nếu thích một điều gì đó phá cách và khác lạ, hãy bắt đầu từ Chương II rồi quay trở lại Chương I.
Bước ra thế giới là sứ mệnh của người trẻ Việt
Du học nước ngoài, đi làm ở nước ngoài… không chỉ là ước mơ của riêng người học, mà đôi khi là cả niềm kiêu hãnh của gia đình, họ hàng, hay thậm chí là hàng xóm láng giềng.
Bước ra khỏi lãnh thổ quốc gia mình bao giờ cũng là một cuộc sống khác, một thế giới khác. Đi du học, nghiên cứu ở nước ngoài không giống du lịch. Không chỉ là đi ngao du ngắm cảnh và mang về những trải nghiệm ngắn ngủi về văn hóa, về danh lam thắng cảnh, về con người nơi ấy; mà còn mang theo trách nhiệm và sự nỗ lực để hoàn thành mục tiêu.
Với chính bản thân tác giả, hay với những ai đi du học, hứng khởi với những điều mới lạ rộng lớn chỉ là giai đoạn đầu của cả quá trình. Liền sau đó là những nỗi lo âu về ngôn ngữ, việc làm thêm, học tập, sinh hoạt hàng ngày…
“Mình mệt mỏi quá. Mình sắp không gắng gượng thêm được nữa. Mình muốn về nhà.”
Có lẽ đã phần du học sinh, nghiên cứu sinh đều có những lúc suy nghĩ như vậy, không riêng gì tác giả. Suy nghĩ đó thường hiện lên sau quá nhiều cố gắng, sau quá nhiều áp lực, sau quá nhiều hụt hẫng, sau quá nhiều thất vọng. Giấc mơ tuổi trẻ thường gắn liền với những chuyến đi ra thế giới ngoài kia, nhưng khi cảm thấy mệt mỏi quá, lại mong trở về vùng bình yên.
Nhưng với sự nỗ lực, tự nuôi dưỡng, cân bằng và hài hòa tâm hồn của chính mình, tác giả đã kịp thoát ra và vẫy chào những nỗi buồn u ám để tiếp tục cuộc hành trình “Bước ra thế giới, thay đổi bản thân” của mình.
Bước ra thế giới để thay đổi!
Là một giảng viên, tác giả không ngừng hi vọng về những chuyển biến tích cực và toàn diện trong Giáo dục Đại học hướng đến việc đóng góp vào sự thịnh vượng bền vững của đất nước.
“Nên tiếp tục đi theo lối mòn hay nên dũng cảm tạo lối đi mới?”
Tác giả đã chỉ ra những vấn đề mà nhiều trường đại học và giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải. Đó chính là phương pháp giảng dạy. Phần lớn phương pháp giảng dạy hiện nay xoay quanh việc đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy trong lớp học. Những nỗ lực để trở thành người tiên phong, đổi mới và dẫn dắt xu hướng trên thị trường lao động, cũng như lan tỏa những giá trị tích cực và đấu tranh chống lại những vấn đề tiêu cực chưa thực sự được đề cao.
Giáo dục không thể mãi rập khuôn theo công thức 1 + 1 = 2. Quan trọng hơn, cần giúp người học vượt qua sự mơ hồ, dỡ bỏ các rào cản, ranh giới và phát triển tư duy không giới hạn. Người giảng viên, thay vì là người thầy, người hướng dẫn sẽ là người kể và khuyến khích sinh viên tạo ra câu chuyện của mình. Đặc biệt hơn, họ sẽ trở thành những Doanh nhân giáo dục (educative entrepreneur) trên bục giảng, những người uyên bác về hàn lâm, chan hòa với cộng đồng, nhạy bén với thương mại và tinh tế trong nghệ thuật. Họ sẽ vun đắp, ươm mầm, củng cố và lưu truyền những giá trị bền vững đến các thế hệ mai sau.
“Doanh nhân giáo dục” – một khái niệm mới của tác giả. Đây sẽ là thuật ngữ chính xác để truyền tải sự thay đổi đột phá của giảng viện hiện đại và là lực lượng chủ đạo đem đến những sự thay đổi và và triển bền vững. Theo tác giả, để trở thành Doanh nhân giáo dục cần đáp ứng 4 tiêu chí:
- Đầu tiên, một Doanh nhân giáo dục thì không thể không giỏi về hàn lâm. Năng lực hàn lâm cần được nhìn nhận cả về bề nổi (bài báo, hội thảo, công trình và hoạt động học thuật đẳng cấp quốc tế) và bề sâu (những đóng góp vào việc nâng cao dân trí, những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, tư duy và ý thức hệ của cộng đồng.)
- Nhân tố quan trọng thứ hai chính là cộng đồng. Tất cả những lời giải cho các quy luật của cuộc sống đều ẩn mình trong cộng đồng.
- Tiếp đến là yếu tố thương mại. Đây chính là điểm yếu của nhiều giảng viên hiện nay ở bất cứ quốc gia nào không kể là nước giàu hay nghèo.
- Yếu tố cuối cùng chính là nghệ thuật. ‘Tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta trả giá’.
Tác giả có một niềm tin rằng nếu mỗi người Việt có khả năng tạo nên những cách thức phát triển mới lạ, độc đáo và táo bạo, vị thế của người Việt trên trường quốc tế sẽ được nâng cao. Trên tinh thần đó, tác giả giới thiệu khái niệm và mô hình Doanh nhân giáo dục ra thế giới.
Tư duy đổi mới của “Người bước ra thế giới” không dừng lại ở những suy nghĩ mông lung mà dần được triển khai qua những hành động cụ thể và thiết thực. Tác giả mong muốn có thể khích lệ người đọc phát huy sức mạnh của tư duy và tạo nên những đột phá trong tương lai.